Tủ điện 3 pha là loại thiết bị được dùng rộng rãi tại trong các công trình xây dựng dân dụng và công nghiệp. Chắc hẳn bạn cũng đã từng nghe nói về loại tủ điện này. Tuy nhiên có lẽ nhiều bạn vẫn chưa biết cách đấu tủ điện cũng như sắp xếp các thiết bị trong tủ. Hãy cùng Công ty Điện Nước T&T tìm hiểu về các vấn đề này nhé.
- Bảng giá tủ điện 3 pha
Tất cả các loại tủ điện Panasonic
Mục lục
Tủ điện 3 pha là gì?
Đây là tủ điện có kích thước lớn, cao từ 800 – 220mm, rộng từ 500mm, độ dầy 1.2 – 3mm. Tủ có vỏ làm bằng kim loại (inox hoặc tôn đen) và được sơn tĩnh điện, nhằm chống trầy xước và tăng độ bền cho tủ.
Tủ điện 3 pha còn được ví như bộ não của hệ thống điện, vì chúng có vai trò giúp điều khiển và vận hành, đồng thời bảo vệ các thiết bị cung cấp, hay đóng cắt điện.
Loại tủ này thường được sử dụng tại các tòa nhà, xí nghiệp, nhà máy sản xuất,… nơi có nhu cầu sử dụng điện công suất lớn.
Nhờ chứa các thiết bị điện nên tủ điện còn giúp đảm bảo an toàn và thuận tiện cho người sử dụng. Ngoài ra, chúng còn đem đến sự gọn gàng và thẩm mỹ cho không gian lắp đặt.
Đối với hệ thống điện dân dụng trong gia đình thì cũng có thể dùng tủ điện 3 pha và đi kèm với chúng là phụ tải điện áp vừa và nhỏ. Tủ được treo tường cố định hoặc đặt trên sàn nhà ngay khu vực thuận tiện nhất.
Các loại tủ điện 3 pha công nghiệp
Với vai trò chính là điều khiển và bảo vệ các motor công nghiệp, cũng như động cơ điện cho dây chuyền sản xuất của các nhà máy hoặc phân xưởng, nên tùy vào thiết bị điện lắp trong tủ và phụ tải đi cùng mà người dùng có phương thức khởi động phù hợp. Dựa vào chức năng và công dụng mà tủ điện được chia thành các loại như sau:
– Tủ điện điều khiển 3 pha: đây là loại có chức năng điều khiển, bảo vệ các thiết bị cung cấp, và đóng cắt điện trong các tòa nhà dân dụng, văn phòng làm việc, hay nhà máy điều khiển điện 3 pha. Tủ thường được thiết kế lớn, thoáng, có giá đỡ, và lỗ đi dây, đồng hồ đo.
– Tủ điện chiếu sáng 3 pha: loại tủ này được ứng dụng trong hệ thống chiếu sáng công cộng, điển hành là đèn đường, công viên hay hệ thống chiếu sáng của tòa nhà hoặc trong gia đình. Tủ có thiết kế nhỏ gọn, đơn giản hơn loại tủ điều khiển 3 pha. Vì chúng chỉ chứa thiết bị đóng cắt, điều khiển các hoạt động tắt mở của hệ thống chiếu sáng.
Tủ điện chiếu sáng 3 pha được lắp đặt khá nhanh. Ngoài ra, chúng còn dễ dàng bảo trì hay nâng cấp khi cần. Để cài đặt công tắc bật tắt hoạt động theo đúng quy trình cho loại tủ điện này, người dùng thường sử dụng các thiết bị tự động.
– Tủ điện 3 pha phân phối: là loại tủ lớn, đồng thời có cấu tạo phức tạp hơn. Chúng được dùng để phân phối điện tới các nhánh, và hệ thống điện nhỏ hơn. Tủ điện còn có công dụng giúp tiết kiệm điện năng mà không hề làm ảnh hưởng đến hệ thống điện chung.
Cấu tạo của tủ điện 3 pha
Cấu tạo của tủ điện gồm các thành phần:
– Vỏ tủ điện (loại dùng trong nhà hoặc ngoài trời).
– Bộ điều khiển trung tâm dùng PLC, cùng rơ le thời gian hay mạch điện tử.
– Hệ thống khởi động từ.
– Các rơ le có chức năng bảo vệ: dòng, áp, rơ le trung gian, rơ le nhiệt và cb (hay còn gọi là aptomat).
Ưu điểm của tủ điện 3 pha
Tủ điện 3 pha có nguyên tắc hoạt động khác tủ điện 1 pha. Nó là sự tích hợp nhiều ưu điểm của loại tủ điện 1 pha.
– Tủ có cách phân pha trực quan, theo màu sắc đỏ, vàng, xanh. Nhờ thế, việc lắp đặt dễ dàng và thuận tiện hơn. Đồng thời, các công tác bảo trì hay sửa chữa cũng không gặp bất kỳ khó khăn nào. Do đó, nếu có kiến thức về điện, người dùng sẽ thông thạo cách đấu tủ điện 3 pha dân dụng dành cho gia đình mình.
– Không gian của tủ điện rộng, thuận tiện cho thợ điện có thể đấu dây vào và ra.
– Tất cả mạch điện được hiển thị rõ, không lo nhầm lẫn và dễ dàng cho việc bảo trì.
– Vỏ tủ được làm từ kim loại nên có khả năng chống cháy. Đồng thời, chúng còn cách điện tốt, nên an toàn cho người dùng.
Cách đấu tủ điện công nghiệp
Tùy thuộc vào yêu cầu kỹ thuật mà các loại tủ điện 3 pha có thiết kế và các bước lắp đặt khác nhau. Về cơ bản chúng cũng đều được thực hiện lắp đặt theo các bước sau.
– Bước 1: Tính thông số kỹ thuật và lựa chọn thiết bị điện cần thiết
Khi chọn tủ điện 3 pha, người dùng cần xác định số lượng phụ tải, số nhánh phân phối để tính được giá của dây dẫn, cb… Các thông số này cần được cân đối giữa kỹ thuật và tài chính. Bạn không nên lựa chọn các thiết bị quá cao so với nhu cầu sử dụng, vì giá thành của chúng cũng cao tương ứng, và như thế gây ra sự lãng phí không cần thiết.
– Bước 2: Vẽ sơ đồ cách bố trí thiết bị trong tủ điện
Sơ đồ bố trí các thiết bị điện và sơ đồ nguyên lý hoạt động là điều quan trọng giúp tủ điện có đầy đủ các tính năng cần thiết, đồng thời tối ưu thiết kế, và thiết bị điện hoạt động tốt nhất.
Trong quá trình thiết kế sơ đồ các thiết bị điện, bạn cần lưu ý thêm đến quá trình mở rộng cũng như sự vận hành của nó.
Sau khi bố trí xong vị trí các thiết bị điện, bạn kiểm tra lại để tránh xảy ra sai sót, rồi thực hiện các bước tiếp theo.
– Bước 3: Thực hiện gia công và lắp vỏ tủ điện
Khi đã có được thiết bị điện cần thiết thì việc tiếp theo là chọn vỏ tủ điện để chứa tất cả các thiết bị này. Bên cạnh đó, khi tiến hành lắp đặt vỏ tủ, bạn cần thiết kế tất cả các thiết bị điện tuân theo nguyên tắc sau.
+ Đèn báo, điện áp, các loại đồng hồ (đo dòng điện, chỉ thị) nên đặt phía trên cao của tủ.
+ Các thiết bị điều khiển nói chung như nút nhấn hay công tắc thì đặt bên dưới để thuận tiện khi sử dụng.
+ Các công tắc thì đặt trên cùng hàng ngang giúp tiện lợi trong quá trình vận hành.
– Bước 4: Sắp xếp các thiết bị điện bên trong tủ điện 3 pha
Trong sơ đồ đấu tủ điện 3 pha thì công tác thiết kế cũng như bố trí thiết bị điện cần theo nguyên tắc nhất định. Đó là sắp xếp đúng cách, chính xác và khoa học nhằm hạn chế tình trạng ảnh hưởng giữa các thiết bị, tiết kiệm dây dẫn điện, tăng vẻ đẹp thẩm mỹ và vận hành ổn định.
– Bước 5: Cách đấu tủ điện 3 pha
Đấu dây dẫn điện trong tủ điện được thực hiện như sau. Đầu cốt cần phân thành các màu (xanh, vàng, đỏ) và đánh số thứ tự để dễ kiểm soát hệ thống dây dẫn, cũng như khả năng hoạt động của thiết bị điện. Còn dây tín hiệu do có độ nhạy cao nên cần bọc lại để chống nhiễu.
Khi thực hiện thì đấu dây phần mạch động lực trước, kế đến mới đấu dây phần điều khiển. Cách thực hiện này giúp cho tủ điện hoạt động tốt nhất.
– Bước 6: Cấp nguồn điện và chạy không tải
Khi đã nối dây điện cho tủ xong thì bạn cần kiểm tra kỹ hệ thống, sau đó mới cấp nguồn điện cho tủ hoạt động. Ngoài ra cần cấp điện cho tủ vận hành không tải để có thể phát hiện các sai sót và khắc phục kịp thời trước khi đấu tải vào tủ điện.
Những lưu ý khi cách đấu tủ điện 3 pha công nghiệp
– Tủ điện nên được đặt gần trung tâm phụ tải và tại vị trí ít khói, bụi hoặc hơi nước. Đồng thời, khu vực đặt tủ điện cũng ít bị chấn động và ít hoặc không có hơi ăn mòn. Không bố trí cửa số hay lối thông với các điều kiện môi trường trên. Hoặc nếu được thì có thể đặt tủ điện ở phòng kín và bố trí thông gió bằng cơ khí nhằm làm sạch không khí khi cần.
– Đặt tủ điện tại nơi có thể dễ dàng cho công tác vận chuyển, thử nghiệm, bảo trì và sửa chữa thuận lợi.
– Các thiết bị có bộ phận làm bằng kim loại không mang điện thì phải được nối tiếp đất để đảm bảo an toàn trong quá trình vận hành.
– Nếu tủ điện đặt trên mặt đất trong phòng thì cần được kê trên bục hay giá đỡ cao hơn đất 20cm. Còn nếu đặt ở ngoài trời thì chân kê bên dưới tủ phải cao trên 20 cm.
– Với các phòng phân phối điện không có liên quan nhau thì không bố trí những rãnh thông nhau.
– Vị trí khu vực nóng của phòng phân phối điện cần tránh nơi ánh nắng chiếu vào.
– Độ rộng của đường đi giữa các tủ điện cần đảm bảo như sau:
+ Đường đi trước tủ điện tối thiểu 1.5m – 1.8m. Nếu có 2 dãy tủ thì lối đi tối thiểu 2.0m – 2.3m. Độ rộng khoảng trống phía sau tủ từ 1m – 1.5m.
+ Nếu tủ có ngăn kéo rút ra ở một phía thì đường đi từ 2m – 2.3m. Phía sau tủ là 1.5m, nếu phòng phân phối điện có diện tích khiêm tốn thì có thể để khoảng trống này là 1.0m.
+ Nếu cả 2 dãy tủ điện đều có ngăn kéo và một bên thường rút ngăn kéo ra thì độ rộng của lối đi là 2.0m – 2.3m. Nếu ngăn kéo cả 2 dãy tủ đều thường xuyên được rút ra thì lối đi rộng từ 2.3m – 2.5m. Phía sau tủ là trên 2.0m.
– Độ cao của dây điện trần như sau:
+ Dây điện trần nằm trên đường đi phía sau tủ có độ cao dưới 2.3m thì cần được che lại.
+ Khi dây điện trần vượt qua đường đi phía trước tủ thì dây cần phải có độ cao tối thiểu 2.5m.
– Nếu thiết bị phân phối điện có độ dài trên 6m thì sau tủ điện phải có 2 cửa ra cách nhau dưới 15m. Nếu khoảng cách từ 15m trở lên thì bố trí thêm 1 cánh cửa nữa.
– Nếu một thiết bị phân phối điện cho phụ tải cấp 1 thì phải có ngăn che phòng hỏa hay tường ngăn trên phân đoạn của thanh cái. Trong trường hợp có 2 đường cấp điện cho phụ tải cấp 1 thì không đi trên cùng một rãnh.
– Khi dùng lưới che dây trần thì khoảng cách giữa chúng phải đảm bảo:
+ Nếu mắt lưới nhỏ hơn 20mm x 20mm thì khoảng cách giữa lưới và dây trần tối thiểu 100mm.
+ Nếu mắt lưới lớn hơn 20mm x 20mm khoảng cách giữa lưới và dây trần tối thiểu 500mm.
Tủ điện 3 pha là thiết bị rất quan trọng trong nhà xưởng và doanh nghiệp, thậm chí một số hộ gia đình cũng đang bắt đầu sử dụng. Vì thế, trong cách đấu tủ điện 3 pha, bạn cần thực hiện đúng để hệ thống điện vận hành ổn định, an toàn. Nếu bạn cần hỗ trợ về kỹ thuật, có thể liên hệ Công ty T&T để được tư vấn chi tiết hơn.