Bạn đã biết tủ ATS là gì và nguyên lý hoạt động của nó ra sao? Mời bạn cùng tìm hiểu thông tin qua những chia sẻ sau đây để có thêm kiến thức về một thiết bị khá hữu ích, phục vụ cho nhu cầu sử dụng điện của con người.
Mục lục
Tủ ATS là gì
Tủ ATS (viết tắt của cụm từ Automactic Transfer Switch) là thiết bị dùng để chuyển đổi nguồn tự động khi điện lưới quốc gia bị mất. Hay nói cách khác, ATS là thiết bị chuyển đổi điện từ nguồn chính (điện lưới quốc gia) sang nguồn dự phòng khi nguồn chính xảy ra sự cố mất nguồn, mất pha hay ngược pha…
Tủ ATS có tác dụng theo dõi các nguồn điện và lập tức chuyển đổi tín hiệu khởi động đến máy phát khi phát hiện có sự cố về điện vượt quá khả năng của thiết bị điện.
Tủ ATS có cấu tạo gồm 2 đầu là đầu vào và đầu ra. Đầu vào như một máy phát điện dự phòng, khi nguồn điện chính mất thì tủ sẽ tự động khởi động máy phát điện. Hoặc khi cần thiết thì người dùng cũng có thể bật bằng tay. Hoạt động của chúng cực kỳ chuẩn xác và đáng tin cậy.
Có thể bạn quan tâm :
Tủ trung thế là gì? Chức năng của tủ điện trung thế
Tủ điện Schneider ở đâu uy tín, giá rẻ
Quy trình vận hành ATS
Như đã chia sẻ ở trên, tủ ATS được sử dụng với mục đích chuyển đổi tự động giữa điện lưới và hệ thống cung cấp điện dự phòng (có thể là máy phát điện hay các nguồn cấp điện khác). Cụ thể:
– Tủ ATS thực hiện chức năng như một hệ thống điều khiển tự động, sẽ theo dõi tình trạng hoạt động của nguồn điện chính.
– Khi phát hiện nguồn điện chính bị sự cố thì tự động đưa ra lệnh:
- Ngưng cung cấp nguồn điện chính (điện lưới) vào phụ tải.
- Khởi động động cơ sơ cấp để lấy nguồn điện dự phòng (máy phát điện hoặc pin năng lượng mặt trời hay các máy dự phòng khác).
- Đóng nguồn điện mà máy phát cung cấp vào phụ tải.
– Khi nguồn điện chính được hồi phục thì hệ thống điều khiển tự động đưa ra lệnh:
- Ngắt nguồn điện cung cấp từ máy phát ra khỏi phụ tải.
- Thực hiện đóng lại nguồn điện chính vào tải.
- Phát tín hiệu dừng động cơ sơ cấp của máy phát. Sau đó, tổ máy phát sẽ vận hành tại trạng thái không tải.
Chức năng của tủ ATS
Chức năng chính của tủ điện ATS là chuyển tải sử dụng nguồn điện dự phòng (nguồn điện từ máy phát điện) khi mất nguồn chính là điện lưới. Thời gian chuyển nguồn điện rất nhanh, bạn có thể cài đặt trong khoảng 5 ÷ 10s, và khi điện lưới được phục hồi thì tủ ATS chờ trong khoảng 10 ÷ 30s nhằm xác định tình trạng ổn định của nguồn điện chính, sau đó mới chuyển tải lại.
Tiếp đến, tủ ATS còn có tác dụng giúp bảo vệ các thiết bị điện khi điện lưới và điện dự phòng từ máy phát xảy ra sự cố như: mất pha, mất trung tính, sụt áp hay quá áp,…
Tủ có thiết kế trực quan giúp người vận hành dễ dàng điều chỉnh thời gian chuyển mạch hay chế độ hoạt động. Bằng cách thiết kế các nút ấn, cùng màn hình LCD và hệ thống đèn chỉ thị ở mặt trước của tủ.
Bên cạnh đó, tủ ATS cũng có cổng truyền thông giúp bạn dễ dàng kết nối với máy tính phục vụ cho công tác hiệu chỉnh thông số, tủ có sẵn module truyền thông Modbus. Ngoài ra, tủ ATS được thiết kế khá thông minh nhằm đảm bảo các thiết bị đóng cắt như ACB/MCCB và chúng có sự ràng buộc với nhau. Điều này giúp đảm bảo an toàn trong vận hành.
Thêm một ưu điểm nữa không thể không nhắc đến, đó là tủ ATS có khả năng tích hợp cùng với hệ thống tủ phân phối tổng MSB và tủ bù công suất, nhằm mục đích nâng cao tính linh hoạt của hệ thống là có nhiều nguồn máy phát. Tính năng này vô cùng hữu ích và giúp cung cấp nguồn điện liên tục cho những phụ tải quan trọng.
Cuối cùng, tủ điện ATS còn tích hợp thêm chức năng thông minh. Đó là giám sát và điều khiển từ xa bằng việc sử dụng bộ điều khiển PLC.
Ứng dụng của hệ thống ATS
Tìm hiểu về tủ ATS, bạn dễ dàng thấy được những tính năng ưu việt của chúng. Vì thế, không lấy gì làm ngạc nhiên khi hệ thống này hiện đang được ứng dụng rộng rãi trong các công trình từ dân dụng, đến công nghiệp. Điển hình là thiết bị được sử dụng ở các chung cư, nhà máy, xưởng sản xuất, trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng, sân bay, cảng, bệnh viện … nơi đòi hỏi cung cấp điện liên tục cho các phụ tải. Thậm chí, tại những vùng thường xảy ra sự cố mất điện lưới đột ngột cũng dùng tủ ATS.
Phân loại tủ ATS
Để đáp ứng những nhu cầu sử dụng đa dạng của người tiêu dùng, các nhà sản xuất cũng tạo ra nhiều loại tủ ATS khác nhau như:
– Hệ thống ATS có 1 nguồn điện lưới và 1 nguồn máy phát điện dự phòng.
– Hệ thống ATS có 2 nguồn điện lưới và 1 nguồn máy phát điện dự phòng.
– Hệ thống ATS có 1 nguồn điện lưới và 2 nguồn máy phát điện dự phòng.
– Tủ ATS có 1 nguồn điện năng lượng gió và 1 nguồn điện lưới dự phòng.
– Tủ ATS có 1 nguồn điện năng lượng mặt trời và 1 nguồn điện lưới dự phòng.
– Tủ ATS có 1 nguồn điện lưới và 1 nguồn kích điện dự phòng (gọi là UPS – inverter).
Hướng dẫn sử dụng tủ điện ATS – Một số đèn báo và nút nhấn
– Đèn báo “Mains Available” sáng: nguồn điện lưới đang nằm trong phạm vi cho phép.
– Đèn báo “Mains On Load” sáng: điện lưới đang cấp ra cho phụ tải.
– Đèn báo “Generator Available” sáng: điện máy phát có giá trị cho phép.
– Đèn báo “Generator On Load” sáng: điện máy phát đang cấp ra cho phụ tải.
– Nút “Delay Strart”: hoãn khởi động máy phát, thời gian tùy chỉnh theo nhu cầu của người vận hành.
– Nút “Delay On Restoration”: hoãn phục hồi điện lưới trở lại, thời gian tùy chỉnh theo nhu cầu của người vận hành.
– Nút “Delay On Transfer”: hoãn đóng điện lưới vào phụ tải, thời gian tùy chỉnh theo nhu cầu của người vận hành.
– Nút “Warm Up”: hoãn đóng điện máy vào phụ tải, thời gian tùy chỉnh theo nhu cầu của người vận hành.
– Nút “Cool Down”: chạy làm mát máy, thời gian tùy chỉnh theo nhu cầu của người vận hành.
– Cho phép máy cố gắng khởi động tối đa 03 lần.
– Automatic Battery Charger: sạc bình accu tự động để điều tiết nguyên tắc xung.
– Công tắc “Manual Switch”: cho phép người vận hành chọn nguồn điện lưới hay điện máy phát cung cấp đến phụ tải khi cần thiết.
Hướng dẫn sử dụng tủ điện ATS – Lắp ráp và cài đặt
Tủ điện ATS có cấu tạo cực kỳ đơn giản nên việc lắp ráp cũng dễ dàng không kém. Chất lượng của tủ ATS được quyết định bởi thiết bị đóng cắt nên bạn lưu ý chọn những thương hiệu uy tính, nhằm đảm bảo an toàn vận hành sau này.
Riêng với những thiết bị và linh kiện G7 được lắp ráp tại Việt Nam, tùy vào công suất mà thường dùng Contactor hoặc máy cắt điện lưới MCCB 3 phase.
Đấu nối hệ thống ATS có 3 cách thông dụng, đó là:
– Cách 1: Kết nối tủ điện ATS và máy phát điện qua cổng truyền thông
Với cách này thì bạn cần có kiến thức về lập trình. Và lời khuyên là bạn chỉ nên dùng kiểu kết nối này khi nhà máy có mạng internet. Vì thế, rất ít công ty chọn cách 1.
– Cách 2: Kết nối tín hiệu điều khiển tủ điện ATS và máy phát điện qua cổng điều khiển bên ngoài (remostart).
– Cách 3: Kết nối trực tiếp điện lưới quốc gia vào bảng điều khiển của máy phát điện.
Kiểu kết nối này khá kén chọn và nó chỉ phù hợp với các máy phát điện có bảng điều khiển hỗ trợ chức năng ATS Control. Tuy nhiên, ưu điểm của cách 3 là bạn chỉ cần nguồn nuôi của 2 quận hút MCCB, mà không cần bộ lập trình hay nguồn nuôi khác và thậm chí cũng không cần bất kỳ phần tử điều khiển nào trong ATS.
Khi máy phát điện và tủ ATS có khoảng cách quá xa, hoặc MCCB quá lớn thì bạn cho dòng nuôi quận hút MCCB qua một rơ le trung gian. Tuyệt đối không cho chúng đi qua tiếp điểm của bảng điều khiển.
Các lưu ý khi lắp đặt tủ điện ATS
– Khi lắp tủ ATS còn chú ý đến phần bảo vệ đầu phát điện. Do có một số hãng tích hợp MCCB bảo vệ đầu phát, hãng khác thì để là Options. Vì thế, nếu không chú ý bảo vệ ngắn mạch cho đầu phát khi lắp đặt ATS thì hiện tượng cháy đầu phát có thể xảy ra trong quá trình sử dụng.
– Phân loại tải ưu tiên và không ưu tiên để hạn chế tình trạng dùng điện quá mức, gây ra tình trạng cháy nổ. Các tải ưu tiên là thang máy, thiết bị chiếu sáng, cứu hỏa. Tải không ưu tiên là điều hòa, … Vì thế, khi lắp đặt, bạn chỉ đấu nguồn điện ưu tiên qua tủ ATS rồi đến tải tiêu thụ. Riêng tải không ưu tiên thì được đấu từ tủ phân phối và không qua ATS.